BÀI TUYÊN TRUYỀN BỆNH CÚM A - ĐƯỜNG LÂY, BIẾN CHỨNG VÀ CÁCH PHÒNG NGỪA

Đăng lúc: 07:10:45 20/09/2023 (GMT+7)

  

Cúm A là một loại cúm mùa có thể gây ra các biến chứng đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách. Trong một số trường hợp, tình trạng nhiễm virus cúm A có thể cải thiện mà không cần dùng thuốc, nhưng bệnh nhân nên đi khám và được bác sĩ tư vấn để chẩn đoán tình trạng bệnh. Cúm A thường có biểu hiện giống với cảm lạnh thông thường, nhưng chúng có thể gây ra các triệu chứng nguy hiểm hơn.

1. Cúm A là gì?

Cúm A thường xuất hiện nhiều hơn trong các dịch bệnh cúm mùa và gây ra các đại dịch vì virus cúm A có khả năng thay đổi và phân nhóm nhanh tạo ra các chủng mới từ mùa cúm này sang mùa cúm khác. Việc tiêm phòng cúm trong quá khứ sẽ không ngăn ngừa nhiễm trùng từ một chủng mới. Các loại chim hoang dã là vật chủ tự nhiên của virus loại A, nên nó còn được gọi là cúm gia cầm. Vi rút cúm A có thể lây lan trên động vật và con người.

2.Triệu chứng của cúm A

Không giống như cảm lạnh thông thường, các triệu chứng của cúm thường xuất hiện đột ngột. Các dấu hiệu phổ biến của nhiễm cúm bao gồm: ho, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, hắt xì, đau họng, sốt, đau đầu, mệt mỏi, ớn lạnh, nhức mỏi cơ thể. Đôi khi, các triệu chứng  có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng kéo dài hơn một tuần mà không cải thiện, bệnh nhân nên đến khám tại các cơ sở y tế để tránh những biến chứng nghiêm trọng xảy ra. Đặc biệt là những người có hệ miễn dịch yếu dễ dẫn tới nguy cơ bị các biến chứng liên quan đến cúm như trẻ em, người trên 65 tuổi, phụ nữ có thai. Những đối tượng này cần theo dõi triệu chứng và có hướng điều trị kịp thời khi bị nhiễm cúm A, vì trong một vài trường hợp cúm có thể dẫn đến tử vong.

Bệnh nhân cúm nếu không được điều trị có thể gây ra nhiễm trùng tai,tiêu chảy, buồn nôn, nôn, chóng mặt, đau bụng, đau ngực,hen suyễn, viêm phổi,viêm phế quản và gây ra các vấn đề về tim mạch.

3. Chẩn đoán cúm A

Trước khi tiến hành điều trị, bệnh nhân sẽ được đánh giá tình trạng sức khỏe để xác minh loại virus cúm mà bệnh nhân bị nhiễm. Các xét nghiệm thường được sử dụng là xét nghiệm nhanh phân tử. Xét nghiệm này sẽ giúp phát hiện RNA của vi rút cúm trong vòng 30 phút hoặc ít hơn. Tuy nhiên, để đảm bảo xác định chính xác loại vi rút cúm, bác sĩ sẽ phải kết hợp với các chẩn đoán khác dựa trên các triệu chứng của bệnh nhân.

4. Điều trị

Trong một số trường hợp, các triệu chứng cúm A có thể tự khỏi khi được nghỉ ngơi và uống nhiều nước. Tuy nhiên, tùy vào mức độ, tình trạng của bệnh nhân, bác sĩ có thể kê toa thuốc kháng virus để chống lại nhiễm trùng như: Zanamivir; Tamiflu, Peramivir…

Những loại thuốc này được dùng để làm giảm khả năng virus cúm lây lan từ tế bào này sang tế bào khác và làm chậm quá trình lây nhiễm của nó. Mặc dù hiệu quả, nhưng chúng có thể gây ra tác dụng phụ như buồn nôn và nôn. Nếu bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng này hoặc tình trạng sức khỏe trở nên xấu đi thì nên ngừng sử dụng thuốc.

Điều trị bằng thuốc không kê đơn cũng có thể làm giảm các triệu chứng cúm. Tuy nhiên bệnh nhân cần chú ý cung cấp đủ nước và dinh dưỡng để tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể.

5. Phòng ngừa virus cúm A

Để phòng ngừa cúm A, cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân như: rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, hoặc dung dịch sát khuẩn, tránh đám đông, đặc biệt là trong khi dịch cúm bùng phát, che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, khi bị sốt thì ở nhà ít nhất 24 giờ sau khi hết để tránh lây nhiễm cho người khác.

Tuy nhiên các giải pháp trên không có ý nghĩa phòng ngừa triệt để. Cách tốt nhất để phòng ngừa cúm A là thực hiện tiêm vaccine phòng bệnh cúm . Tiêm phòng cúm có thể chống lại 3-4 loại virus cúm khác nhau. Hiện tại Trung tâm Y tế Hoằng Hóa đang triển khai dịch vụ tiêm vaccine phòng bệnh cúm cho các đối tượng được chỉ định.

Hiện nay dịch bệnh Covid-19 đang có dấu hiệu quay trở lại với tính chất “nhỏ giọt” và các chủng SARS-CoV-2 liên tục biến đổi, khó dự báo, nhất là về mức độ nguy hiểm, khả năng làm giảm hiệu quả vaccine và nguy cơ bệnh nặng và tử vong luôn hiện hữu; dịch bệnh Sốt xuất huyết, dịch bệnh tay – chân – miệng... đang có nguy cơ tăng nhất là thời diểm thời tiết nắng – mưa – nắng là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh và virus phát triển nhanh. Dịch bệnh luôn diễn biến hết sức khó lường, nguy cơ dịch chồng dịch là hiện hữu. Trong khi đó vẫn còn tình trạng chủ quan, lơ là trong việc phòng, chống dịch, có nơi, có chỗ chưa quyết liệt, chưa có sự vào cuộc hoặc phối hợp chưa đồng bộ của các cấp, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội trong phòng, chống dịch bệnh./ 
0 Bình luận
Ý kiến bạn đọc
Truy cập
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
362261